Tình hình kinh tế quý I/2023 đáng lo ngại khi tốc độ tăng GDP chỉ có 3,32% - thấp gần mức tăng 3,21% của quý I/2020 khi nền kinh tế chịu cú sốc đầu tiên của Covid-19.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế chậm lại đã được dự báo từ giữa năm 2022 khi GDP quý IV/2022 tăng chậm với 5,92% sau sự tăng bùng nổ tới 13,67% vào quý III/2022.
Tình trạng kinh tế khó khăn còn đáng lo ngại hơn nữa khi cả hai động lực tăng trưởng là công nghiệp và xuất khẩu đều suy thoái ngay cả khi không có cú sốc nào trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong quý I/2023, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4% nên không những không đóng góp gì vào tăng trưởng mà còn làm giảm 4,76% tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Trong khi đó, khu vực dịch vụ tăng 6,79% và đóng góp tới 95,91% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, trái với dự báo của WB, khu vực dịch vụ vẫn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế quý I/2023 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng có 5%) và nếu loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 10,3% (cùng kỳ năm 2022 chỉ tăng 2%).
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37% còn IIP cũng giảm 2,2% trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%.
Bên cạnh đó, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2023 là gần 57 nghìn doanh nghiệp (giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022) song lại có tới 42,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2022) và gần 12,8 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 13,1%) cùng 4,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 6,5%).
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 chỉ đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 17,4% còn khu vực FDI (kể cả dầu thô) cũng giảm 10% trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cũng giảm 14,7% (khu vực kinh tế trong nước giảm 13,3% và khu vực FDI giảm 15,4%).
Dấu hiệu “đóng băng” của nền kinh tế chớm xuất hiện càng làm khó khăn của thị trường bất động sản trở nên khó giải quyết. Mặc dù, Chính phủ và chính quyền các địa phương đang chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, “phá băng” cho thị trường bất động sản.
Trải qua giai đoạn thực hiện chính sách tiền tệ với lãi suất thấp và nguồn vốn tín dụng dồi dào cùng với điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng đã khiến rủi ro về quy mô và cơ cấu hàng hóa bất động sản cũng như nguồn vốn đầu tư vào bất động sản tăng cao.
Những rủi ro đó đã bộc lộ ngay khi chính sách tiền tệ đảo chiều sang thắt chặt từ đầu quý III/2022 với hai lần tăng lãi suất điều hành liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10/2022. Theo đó, một trong các khó khăn của doanh nghiệp bất động sản là chậm thanh khoản do sản phẩm bất động sản (cả hoàn thành lẫn dở dang) không tiêu thụ được.
Nguyên nhân khiến sức tiêu thụ sản phẩm bất động sản chững lại, thậm chí “đóng băng” là do sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng như trong cơ cấu tài chính bất động sản. Thêm vào đó, tăng trưởng GRDP của nhiều tỉnh thành vốn là trung tâm công nghiệp, trung tâm xuất khẩu đồng thời có tốc độ đô thị hóa cao và thị trường bất động sản sôi động như TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... đều rất thấp trong quý I/2023, thậm chí có một số địa phương còn suy giảm hơn.
Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản đồng hành cùng với các cơ quan của bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương để bàn về các giải pháp cơ chế, chính sách, quy trình, trình tự thủ tục hành chính trong quá trình triển khai đầu tư dự án, quy hoạch, giao đất...
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, VNREA đã tập trung làm rõ thực trạng và nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, dự báo và đánh giá tác động của những khó khăn trong thời gian tới; kết nối các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương để giải quyết vướng mắc của từng dự án.
Những đề xuất kiến nghị của VNREA trong thời gian qua đã được các cơ quan bộ ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ đưa vào một số nội dung trong các nghị quyết, nghị định nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường và các doanh nghiệp bất động sản.
Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và gặp gỡ hội viên năm 2023 được tổ chức ngày 8/4/2023 tại Hải Phòng để đánh giá tình hình thực hiện từ sau Đại hội V Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan nhằm sớm ổn định, an toàn và phát triển bền vững thị trường bất động sản./.