Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Góc nhìn chuyên gia

Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Theo pháp luật hiện hành, hiệp hội các doanh nghiệp là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng (tài khoản tiền Việt và ngoại tệ) tại ngân hàng; tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự trang trải về tài chính phù hợp quy định pháp luật Việt Nam và điều lệ Hiệp hội được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Việt Nam hiện có vài trăm hiệp hội doanh nghiệp hoạt động dưới các tên gọi khác nhau, như hội, hiệp hội, liên đoàn, liên minh, đoàn, hội liên hiệp... (trên trang Web của Bộ Công Thương có khoảng 120 hội và hiệp hội doanh nghiệp với địa chỉ cụ thể).

Các hiệp hội doanh nghiệp tạo ngôi nhà chung thu hút và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động, đóng thuế trên cả nước; là chỗ dựa và phản ánh hơi thở của cộng đồng doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp, hội viên hoạt động chủ động, tự tin và hiệu quả hơn trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh và theo đuổi các mục tiêu của mỗi doanh nghiệp trong sự hài hòa với các lợi ích khác; chủ động đề xuất và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý minh bạch, an toàn, hợp lý để Hiệp hội và doanh nghiệp phát triển thuận lợi, ổn định…

Trong số các hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Hiệp hội) nổi lên là một trong những đơn vị tiêu biểu về sự chủ động khẳng định vai trò và không ngừng đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của mình cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài, trực tiếp tới các hội viên và gián tiếp với thị trường bất động sản cả nước nói chung.

Trong nhiệm kỳ IV (2016 - 2022), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã bám sát tôn chỉ và mục đích đề ra; từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết và thu hút được nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; là cầu nối tin cậy của các doanh nghiệp hội viên với Nhà nước, phản ánh và đề xuất kịp thời các giải pháp với Chính phủ và các bộ ngành, địa phương để góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp và phát triển thị trường bất động sản.

Tổ chức của Hiệp hội ngày càng lớn mạnh với sự phát triển của các doanh nghiệp hội viên, góp phần vào sự phát triển chương trình nhà ở và thị trường bất động sản Việt Nam. Hiệp hội có sức thu hút và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp bất động sản. Tính đến đến tháng 3/2022, Hiệp hội có 383 hội viên đầu mối, 109 hội viên cá nhân và hơn 3.000 hội viên là các doanh nghiệp trực tiếp sinh hoạt tại Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và sinh hoạt tại Câu lạc bộ Bất động sản, Hiệp hội Bất động sản ở địa phương và Chi hội Môi giới tham gia hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.

Với hơn 100 văn bản về 36 nhóm vấn đề, Hiệp hội đã tích cực tham gia tư vấn các đề án và đóng góp ý kiến xây dựng, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật đối với lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, nhất là về quy hoạch, đầu tư, đất đai, tài chính, thuế…

Bên cạnh đó, Hiệp hội thường xuyên tổ chức bài bản và chuyên nghiệp các hoạt động thống kê và báo cáo theo quý các diễn biến, dữ liệu nhà ở, thông tin về tình hình thị trường bất động sản; tổ chức hàng loạt các hội nghị, hội thảo về các chủ đề nóng và có các văn bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi tới Chính phủ, Bộ, ngành liên quan, trong đó phản ánh những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, cũng như đề xuất nhiều phương án, giải pháp nhằm kiểm soát và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định. Nhiều kiến nghị đã được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ như: Đưa doanh nghiệp bất động sản vào đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước vì ảnh hưởng đại dịch Covid-19; cho phép giãn, hoãn, chậm, miễn tiền nộp thuế và chậm nộp tiền cho thuê đất…

Hiệp hội tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.

Đặc biệt, Hiệp hội coi trọng và có nhiều kinh nghiệm, cũng như thành công trong các hoạt động kết nối để cộng đồng doanh nghiệp hợp tác phát triển hiệu quả hơn, như gặp gỡ giao lưu giữa các hội viên và giữa các hội viên Hiệp hội với các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia; tổ chức, bảo trợ, phối hợp tổ chức nhiều hội chợ triển lãm, diễn đàn bất động sản lớn và tổ chức Giải thưởng Quốc gia Bất động sản Việt Nam năm 2019 - 2020 có uy tín, vinh danh các đơn vị, công trình tiêu biểu, khuyến khích, động viên đơn vị cống hiến nhiều hơn cho thị trường, tạo ra xu hướng “xanh – sạch – đẹp” trong đầu tư phát triển các dự án.

Hiệp hội đã là thành viên chính thức của Liên đoàn Bất động sản Thế giới (FIABCI), thành viên của Hiệp hội Bất động sản Đông Nam Á (ARENA), thành viên của Hội Môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR); thường xuyên tổ chức các đoàn công tác tham dự các sự kiện, chương trình xúc tiến đầu tư quốc tế và tích cực tham gia các hoạt động tại nhiều hội nghị, hội thảo, hội chợ quốc tế; duy trì các mối quan hệ song phương với nhiều hiệp hội bất động sản nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế liên quan khác… Qua đó, khẳng định vị thế và tạo ra các cơ hội để hội viên Hiệp hội phát triển, mở rộng quan hệ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản trong nước, ở khu vực và trên thế giới.

Hiệp hội cũng coi trọng cộng tác với Đài Truyền hình Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác, tổ chức phát hành các báo cáo tổng quan thị trường bất động sản hàng tháng, hàng quý và tuyên truyền, phổ biến giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật theo chủ đề liên quan đến lĩnh vực bất động sản để tổ chức, đơn vị và nhân dân hiểu và thực hiện, góp phần thiết thực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phát triển minh bạch, bền vững thị trường bất động sản…

Ngoài ra, Hiệp hội còn tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ Xây dựng và do Hiệp hội tự tổ chức, góp phần củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn nâng cao chất lượng công tác, tham mưu cho Bộ Xây dựng và các ngành trong quá trình hoạch định chính sách, pháp luật có liên quan.

Có thể thấy, vai trò và tầm quan trọng của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là vô cùng lớn. Nó vượt ngoài mục tiêu mà Hiệp hội đã đề ra, có sức lan toả và ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Nhìn lại hành trình 20 năm thành lập nói chung cũng như nhiệm kỳ vừa qua nói riêng, Hiệp hội luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, là cơ sở vững chắc cho các hội viên học tập và làm theo, định hướng được những đường lối phát triển đúng đắn, lành mạnh.

Bước vào nhiệm kỳ V (2022 – 2027), với phương châm: “Đổi mới – Trí tuệ – Phát triển”, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cam kết tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xứng đáng là tổ chức quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân bất động sản Việt Nam, là cánh tay nối dài của bộ quản lý chuyên ngành.

 Để tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp mà Hiệp hội chủ động đề xuất và triển khai trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần chú ý thêm một số điểm sau:

Thứ nhất, Hiệp hội cần được tiếp nhận và thực hiện tốt một số dịch vụ công trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh do các cơ quan quản lý Nhà nước chuyển giao, như tổ chức các hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật và hội nhập quốc tế; các khóa học bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực hiểu biết về kinh tế, pháp luật, môi trường, phòng chống cháy nổ, nghĩa vụ nộp thuế, các chế độ chính sách đối với người lao động cho các doanh nghiệp hội viên; nhận đặt hàng thực hiện những hoạt động nghiên cứu, phát triển ngành, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ hai, Hiệp hội nên tăng cường các hoạt động vận động chính sách, bảo vệ doanh nghiệp trong các tranh chấp hợp đồng thương mại; tổ chức giao lưu với các tổ chức quốc tế, các tổ chức, doanh nghiệp ở các địa phương khác; tham gia hoà giải các tranh chấp giữa hội viên, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh; tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với các cơ quan Nhà nước để trao đổi thông tin và ý kiến về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh; duy trì giao ban định kỳ giữa các hiệp hội doanh nghiệp và trao đổi thông tin, lập chung danh sách các doanh nghiệp hội viên giữa các hiệp hội; tham vấn thống nhất giữa các hiệp hội trong việc kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các địa phương về cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và vì phát triển bền vững.

Thứ ba, Hiệp hội cần chú trọng thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh và đầu tư ở trong và ngoài nước thông qua các biện pháp như: Chắp mối và giới thiệu bạn hàng, cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm, quảng cáo và các hoạt động xúc tiến khác; điều tra, khảo sát, tập hợp, nghiên cứu những ý kiến của doanh nghiệp, của hội viên để tham mưu xây dựng kế hoạch chính sách phát triển doanh nghiệp cả cấp vi mô và vĩ mô; phản ánh kiến nghị và tham mưu với các cơ quan Nhà nước về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xây dựng, quảng bá, nâng cao uy tín doanh nghiệp, doanh nhân và các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của các doanh nghiệp hội viên.

Thứ tư, Hiệp hội cần tiếp tục hoàn thiện trang thông tin điện tử của Hiệp hội và xuất bản các ấn phẩm của Hiệp hội theo quy định của pháp luật; tăng cường trao đổi, cập nhật, cung cấp thông tin giữa hội viên với Hiệp hội, và ngược lại để thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp với các cấp quản lý Nhà nước, các ngành liên quan nhằm giải quyết khó khăn tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp cho cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn vai trò quản lý Nhà nước. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các đoàn công tác cùng lãnh đạo tỉnh hoặc các ngành trong các chuyến công tác nước ngoài nhằm giới thiệu hàng hoá, sản phẩm thúc đẩy quan hệ với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế, ký kết, hợp tác kinh tế quốc tế phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ năm, Hiệp hội cần định kỳ và không định kỳ chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông và hiệp hội khác thực hiện các tọa đàm, hội thảo, giải trình và tuyên truyền về chính sách và hoạt động kinh doanh, bình chọn khen thưởng và tôn vinh xứng đáng các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu hàng năm; thực hiện tốt các cuộc vận động, chương trình lớn do Đảng và Nhà nước phát động; vận động hội viên đề cao đạo đức, văn hóa trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện tại địa phương; tích cực tham gia các chương trình liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội…

Với những kinh nghiệm, thành quả và đà phát triển đáng tự hào, với sự năng động và trí tuệ tập thể, với trách nhiệm xã hội cao và khát vọng cống hiến mãnh liệt, luôn đồng hành cùng thị trường và công cuộc đổi mới, hội nhập của cả nước, xin chúc hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ tới sẽ chứng kiến nhiều kỳ vọng thành công mới trong bối cảnh bình thường mới của thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung!