Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam năm 2024
VNRea , Tin tức , Tin tức mới

Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam năm 2024

Chiều 5/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức sự kiện thường niên - "Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2024".

Năm 2023, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Riêng đối với thị trường bất động sản, gam màu xám của sự trầm lắng, khó khăn đã bao trùm từ sau dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt từ giữa năm 2022 trở đi.

Các doanh nghiệp bất động sản phải đối diện chủ yếu với 3 nhóm điểm nghẽn lớn nhất về cơ sở pháp lý, nguồn vốn và quy trình, trình tự thủ tục. Số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể, dừng hoạt động tăng lên, đi ngược với sự thụt lùi trong số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới năm 2023.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Quốc hội cũng đã thông qua 3 bộ Luật "xương sống" của thị trường gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các Luật khác liên quan. Bộ ngành đang khẩn trương lấy ý kiến các nghị định, thông tư hướng dẫn các Luật nêu trên để kịp thời thi hành từ ngày 1/1/2025.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đốc thúc, yêu cầu các bộ, ngành sớm trình các nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đất đai mới sửa đổi, làm cơ sở để Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Trong bối cảnh đó, với tinh thần đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp bất động sản, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tập trung đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc khác đã được các bộ, ngành, Chính phủ tiếp thu và cơ bản được đưa vào sửa đổi trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, hoạt động tham gia góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật của VNREA được lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội đánh giá cao.

Hiệp hội cũng tiếp tục tập trung góp ý sửa đổi cơ chế chính sách tới các cấp thẩm quyền, các vấn đề về việc xây dựng các nghị định, thông tư liên quan đến thị trường bất động sản. Đặc biệt là về cơ chế, chính sách, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, quy trình, trình tự, thủ tục triển khai đầu tư dự án khu nhà ở và khu đô thị.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, VNREA tiếp tục tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ 3 nhiệm kỳ V (2022 - 2027) và gặp gỡ Hội viên thường niên năm 2024 nhằm đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động năm 2023 và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động trong năm nay.

Trước thực tế thị trường bất động sản được đánh giá đã vượt qua "cơn bĩ cực" và có sự cải thiện nhưng dự báo vẫn còn đối diện khó khăn trong năm nay, Hội nghị sẽ là không gian chia sẻ, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và vướng mắc, khó khăn của các Hội viên để tiếp tục có kiến nghị, đề xuất phù hợp, kịp thời lên các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tháo gỡ nút thắt cho thị trường, hướng đến kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự kiện gặp mặt Hội viên thường niên cũng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu để tăng cường sự thấu hiểu, gắn kết giữa lãnh đạo Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên, thành viên VNREA; đồng thời trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau để cùng hướng tới một mục tiêu chung - phục hồi và phát triển bền vững.

Hội nghị cũng có sự hiện diện của các đồng chí trong Thường trực Hiệp hội nhiệm kỳ V:

- Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng

- Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng

- Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

- Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội; Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup

- LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội; Chủ tịch Tập đoàn CEO

- Ông Phạm Nguyễn Toan - Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

Tổ Thư ký Hội nghị gồm:

- Ông Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

- Bà Phạm Thị Miền, Phó Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Tổ Thư ký của Hội nghị.

Về phía các chuyên gia, nhà khoa học:

- TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

- PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

- TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia

- TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

Cùng sự tham dự các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

Tổng số đại biểu tại Hội nghị là 80 đại biểu cùng các nhà báo, phóng viên thân thiết với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA tuyên bố lý do, giới thiệu nội dung Hội nghị

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị

Kính thưa các đồng chí,

Năm 2023 là năm tiếp tục có nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội không chỉ ở phạm vi quốc gia mà cả trên toàn cầu. Thị trường bất động sản, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản hội viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khắc nghiệt trong quá trình đầu tư, kinh doanh, phát triển.

Với tinh thần tự lực, tự cường, các doanh nghiệp đã vận dụng nhiều giải pháp để thích ứng với bối cảnh và duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Trong điều kiện như vậy, với sự đồng hành của các đơn vị thành viên như Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, CLB Bất động sản Hà Nội… cùng sự ủng hộ, chia sẻ, hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế, bất động sản, tài chính, quy hoạch, pháp lý..., Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có nhiều hoạt động hiệu quả, đặc biệt là trong công tác đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên trong thời gian qua.

Thay mặt Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hiệp hội, chúng tôi trân trọng ghi nhận sự nỗ lực của các doanh nghiệp bất động sản đã vượt khó trong giai đoạn vừa qua.

Hôm nay Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam năm 2024 được tổ chức để điểm lại hoạt động trong năm 2023 vừa qua và đề ra phương hướng kế hoạch hoạt động trong năm 2024.

Trên cơ sở đó, Thường trực mong muốn các đại biểu phát biểu đóng góp nhiều ý kiến để Hiệp hội tổng hợp hoàn chỉnh báo cáo, nhất là các giải pháp, bài học để ứng dụng vào năm 2024.

Kính thưa Hội nghị,

Bước vào 2024, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tham gia vào công tác góp ý soạn thảo các Nghị định hướng dẫn một số điều 3 Luật gồm: Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ đóng góp ý kiến cho việc ban hành các thông tư sau khi có các nghị định. Trong quý I/2024, Chủ tịch và các phó chủ tịch của Hiệp hội cũng đã tham gia nhiều cuộc họp với Chính phủ, các bộ, ngành để góp ý các dự thảo Nghị định, Thông tư.

Đặc biệt, trước khi tham gia các cuộc họp, Hiệp hội đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp hội viên như Vingroup, CEO, Hoàng Quân, Long Thành, Hưng Thịnh… Thay mặt lãnh đạo Hiệp hội và Ban Pháp chế, tôi xin trân trọng cảm ơn các đơn vị doanh nghiệp đã làm việc cật lực để đóng góp các ý kiến chất lượng, hiệu quả.

Mới đây, tôi cũng đã tham dự cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về vấn đề lấn biển được quy định tại Luật Đất đai và các ý kiến của Hiệp hội cũng đã được ghi nhận tại Hội nghị.

Những ý kiến mà doanh nghiệp hội viên tham luận cho Hiệp hội về góp ý hoàn thiện luật, kế hoạch phát triển 2024… chúng tôi đều ghi nhận và cảm ơn.

Rất mong các đồng chí sẽ tiếp tục góp ý để Hiệp hội phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình. 

Ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trình bày kết quả hoạt động năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hiệp hội

I. Kết quả hoạt động năm 2023

Về tổ chức bộ máy và công tác phát triển hội viên

Ban Chấp hành Hiệp hội BĐS Việt Nam khóa V gồm 111 Ủy viên. Trong đó có: 14 Ủy viên Ban Thường trực, 43 Ủy viên Ban Thường vụ và 5 Ủy viên Ban Kiểm tra. Trong năm đã bầu bổ sung 03 đồng chí và có 06 đồng chí do bận công việc nên thôi tham gia Ban Chấp hành.

Ban Chấp hành Hiệp hội đã bổ sung 02 Phó Tổng thư ký (01 Phó Tổng thư ký phụ trách khu vực phía Nam, 01 Phó Tổng thư ký phụ trách công tác Pháp chế) và 02 Phó Chánh Văn phòng. Đồng thời tổ chức tốt công tác quản trị văn phòng và tham mưu cho Ban Thường trực điều hành nhiệm vụ.

Tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất của Liên chi hội Đào tạo Bất động sản Việt Nam (nhiệm kỳ 2023-2028) ngày 12/8/2023.

Tổ chức thành công Đại hội lần thứ nhất Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (giai đoạn 2024-2029) ngày 18/1/2024.

Về công tác tư vấn, giám định & phản biện xã hội

Hiệp hội đã tham gia góp ý sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật như chủ động tổ chức các hội nghị làm việc với các doanh nghiệp nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp hội viên bất động sản, có văn bản đề nghị cơ quan soạn thảo, các Bộ, ngành TW và địa phương, Chính phủ, các ủy ban của Quốc hội về cơ chế chính sách, dự thảo sửa đổi luật, sửa đổi thông tư đối với dự thảo Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở.

Khi luật được ban hành, Hiệp hội tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn thực hiện; Các giải pháp phát triển nhà ở xã hội; Góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển ngành xây dựng đến năm 2030, định hướng năm 2045…

Trực tiếp đồng chí Chủ tịch Hiệp hội và các đồng chí Phó Chủ tịch Hiệp hội chủ trì hội nghị và tham gia đầy đủ các hội nghị do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các ủy ban Quốc hội chủ trì.

Hiệp hội cũng tổ chức các chương trình sự kiện, Hội thảo khoa học, chuyên đề như Hội nghị Góp ý Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển; Toạ đàm Hiện thực hoá Đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội…

Về các hoạt động quan hệ hợp tác quốc tế

Hiệp hội đã trì quan hệ với các tổ chức Quốc tế là đối tác như: Liên đoàn Bất động sản Quốc tế (FIABCI), Hiệp hội Bất động sản các quốc gia Đông Nam Á (ARENA), Hiệp hội Bất động sản & Môi giới Hoa Kỳ (NAR), Hiệp hội bất động sản Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng như tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi công việc, ký kết thỏa thuận hợp tác cùng phát triển.

Nhiều đoàn Hiệp hội Bất động sản và doanh nghiệp quốc tế đã đến và làm việc với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hợp tác đầu tư như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản…

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức đoàn đại biểu tham dự: Hội nghị Bất động sản Châu Á - Thái Bình Dương tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan từ ngày 5-7/10/2023; Sang thăm và làm việc với Hiệp hội môi giới bất động sản Hoa Kỳ (NAR) từ ngày 11-21/11/2023 nhằm hợp tác đào tạo môi giới BĐS quốc tế; Tham dự cuộc họp Hội đồng Chủ tịch Liên mình mạng lưới bất động sản Asean (ARENA COP) lần thứ 12 tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào từ ngày 15-17/3/2024…

Như vậy, trong năm 2023, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng các hội viên doanh nghiệp bất động sản tâm huyết đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan của các Bộ ngành liên quan, các Cục, Vụ của Văn phòng Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội, tham gia góp ý hiệu quả về sửa đổi, bổ sung Luật, đề xuất cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Hầu hết các tổ chức của Hiệp hội hoạt động tích cực, hiệu quả trên các lĩnh vực. Công tác truyền thông và đối ngoại hoạt động sâu rộng, có hiệu quả. Công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự được quan tâm.

Các doanh nghiệp hội viên đã quyết liệt trong công tác quản trị lại doanh nghiệp, cơ cấu sản phẩm, áp dụng nhiều giải pháp để duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, quản lý, dịch vụ tối thiểu… Một số doanh nghiệp có các bước tích cực, chuẩn bị đón thời cơ trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam hiện còn nhiều khó khăn trong đầu tư, giao đất, quy hoạch, tín dụng… Doanh nghiệp bất động sản chịu áp lực từ nhiều vấn đề về thể chế, thủ tục hành chính, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, doanh số nhiều doanh nghiệp giảm nhiều, cắt giảm lao động tăng.

Một số lãnh đạo các đơn vị của Hiệp hội thiếu chủ động trong phạm vi trách nhiệm và nhiệm vụ, ít tham gia hoạt động của Hiệp hội.

Các đại biểu tại Hội nghị

 II. Phương hướng và kế hoạch hoạt động năm 2024

Về định hướng chung, Hiệp hội bám sát chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ và của Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chương trình hành động hiệu quả, đúng nhiệm vụ và tiết kiệm trong điều kiện khó khăn chung của thị trường bất động sản và doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện đúng Điều lệ Hiệp hội và hệ thống Quy chế của Hiệp hội vì hội viên.

1. Công tác phát triển hội viên và kiện toàn tổ chức, cán bộ

Thực hiện theo nguyên tắc lấy chất lượng lên hàng đầu bằng cách tích cực quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp để hội viên tin tưởng và gắn bó bền vững với Hiệp hội. Đưa công nghệ vào công tác hội viên. Kết nạp thêm khoảng 30 hội viên.

Phối hợp chính quyền địa phương để thành lập 1 - 2 Hiệp hội hoặc Chi hội Bất động sản tại địa phương. Kiện toàn Hiệp hội Bất động sản Đà Nẵng.

Bổ sung 01 Phó Tổng thư ký theo Nghị quyết Ban Thường vụ, Ban Chấp hành ngày 25/11/2023. Hoàn thành việc sửa đổi các Quy chế của các đơn vị thuộc, trực thuộc Hiệp hội theo Điều lệ Hiệp hội và theo Quyết định 846/QĐ-BNV. Kiện toàn Hội đồng chuyên gia của Hiệp hội…

Cho thôi chức danh lãnh đạo Hiệp hội, các đồng chí trong BCH, BTV không có thời gian, điều kiện tham gia công tác Hiệp hội; và bổ sung các đồng chí nhiệt tình, có điều kiện tham gia hoạt động của Hiệp hội. Văn phòng Hiệp hội đề xuất và thực hiện theo quy trình.

2. Công tác tư vấn, giám định và phản biện xã hội

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giám định, phản biện xã hội trong lĩnh vực bất động sản, những vấn đề thực tế đã nảy sinh mà pháp luật chưa điều tiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang tạo rào cản làm trì trệ hoạt động kinh tế xã hội. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành về các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động thị trường bất động sản Việt Nam. Tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo về góp ý xây dựng các Nghị định, Thông tư liên quan đến thị trường bất động sản; về cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp; về đầu tư ít nhất một triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030…

Hiệp hội là thành viên của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ nên sẽ thường xuyên tổng hợp những vấn đề khó khăn bất cập, đề xuất cơ chế chính sách trực tiếp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư

Tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác với Hiệp hội các nước mà Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là thành viên và đối tác. Mở rộng quan hệ đối tác với Úc, Canada, Ấn Độ và một số nước Châu Âu thuộc khối EU để trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu chính sách, các quy định về các lĩnh vực như phát triển và kinh doanh bất động sản, các vấn đề về tài chính cho phát triển nhà ở, chính sách phát triển nhà cho thuê, nhà ở thu nhập thấp, cải tạo các chung cư cũ, mô hình phát triển nhà ở xanh, sinh thái & thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phát triển bất động sản, công tác đào tạo các kỹ năng tư vấn, môi giới, quản lý và kinh doanh bất động sản…Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư ở các địa phương.

4. Công tác truyền thông của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Truyền thông kịp thời và sâu rộng những ý kiến tham gia, sửa đổi luật, xây dựng cơ chế chính sách và những quy định mới về thị trường bất động sản, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật sau khi được ban hành, về hoạt động của Hiệp hội, của hội viên.

5. Hoạt động của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam

Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là cơ quan đầu mối chủ trì về các đề tài khoa học, tổng hợp và đánh giá thực trạng, thị trường chu kỳ 6 tháng và xu hướng phát triển bất động sản của Việt Nam. Các đơn vị khác chủ động phối hợp để đạt được hiệu quả theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bất động sản (theo danh mục các đề tài khoa học riêng).

6. Thông tin thị trường bất động sản và tổ chức các sự kiện

Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam và Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chủ động phối hợp các địa phương, các đơn vị và thực tế thị trường để tổ chức định kỳ đánh giá, phân tích thị trường, đề xuất các giải pháp phục hồi, phát triển thị trường bất động sản, nâng cao chất lượng tư vấn đến cơ quan quản lý nhà nước và giúp các doanh nghiệp đầu tư, môi giới bất động sản và khách hàng có thông tin hữu ích.

Tổ chức các diễn đàn về bất động sản thường niên, về chuyên đề bất động sản du lịch, công nghiệp, đào tạo, quy hoạch và diễn đàn cuối năm quy mô lớn, mời một số tổ chức, doanh nghiệp quốc tế tham dự.

Tổ chức các chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn về xúc tiến đầu tư bất động sản công nghiệp tại các địa phương, về xúc tiến đầu tư bất động sản gắn với phát triển ngành du lịch tại thị trường trong nước và quốc tế.

Tổ chức Diễn đàn bất động sản mùa xuân, mùa thu, Hội nghị Gặp mặt hội viên toàn quốc và một Diễn đàn bất động sản lớn gắn với xúc tiến hợp tác đầu tư, kết hợp tổ chức triển lãm, hội nghị, hội thảo về các nội dung liên quan.

Các đơn vị chủ động tổ chức hoạt động theo kế hoạch 2024 đúng quy định. Hiệp hội tiếp tục hợp tác Hiệp hội du lịch VN và Hiệp hội doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài về xúc tiến đầu tư bất động sản với du lịch gắn kết hội chợ…

Chủ động làm việc với địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn trong các dự án đầu tư dở dang và triển khai dự án mới, đặc biệt là tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. 

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bắt đầu phiên thảo luận. 

Hội nghị vừa nghe báo cáo kết quả hoạt động năm 2023, phương hướng hoạt động năm 2024 của Hiệp hội. Ngay từ đầu năm, Hiệp hội đã chỉ đạo quyết liệt đến các đơn vị triển khai các chương trình của năm 2024.

Theo đó, ngay trong quý I, Hiệp hội đã triển khai nhiều nội dung hoạt động rất thành công, tạo được vị thế với cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp như: Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân và Lễ Vinh danh thương hiệu bất động sản dẫn đầu năm 2023 - 2024; phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho thị trường; tập trung góp ý các nội dung về quy hoạch; Đại hội Liên chi hội Bất động sản công nghiệp cũng được tổ chức thành công tốt đẹp. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã tham gia góp ý, làm thành viên tổ soạn thảo các nghị định thi hành 3 Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Ngoài ra, Hiệp hội đã kiến nghị với Chính phủ về các vấn đề liên quan đến nguồn vốn đối với thị trường bất động sản.

Như vậy, ngay từ đầu năm, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường bất động sản nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng.

Trong quý II, ngoài Hội nghị BCH, BTV và gặp mặt đầu xuân năm 2024, Hiệp hội sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động liên quan đến góp ý, phản biện chính sách; phổ biến các chính sách, pháp luật mới để các doanh nghiệp hội viên nắm bắt, tổ chức một số hội nghị tiếp thu ý kiến doanh nghiệp về khó khăn và giải pháp tháo gỡ, trực tiếp lãnh đạo hiệp hội tham gia để ghi nhận ý kiến; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại một số địa phương có ngành công nghiệp trọng điểm như Bắc Gaing, Thái Nguyên… Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Hiệp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham gia các hội nghị Fiabci toàn cầu, hội nghị bất động sản quốc tế.

Quý IV/2024, Hiệp hội sẽ tổ chức 1 số sự kiện đặc biệt như Giải thưởng quốc gia bất động sản. Đây là sự kiện đã được nhen nhóm từ năm 2018 nhưng do nhiều yếu tố ảnh hưởng nên cuối năm nay mới tổ chức. Và trong sự kiện này, có thể kết hợp tổ chức kèm Diễn đàn bất động sản 2024, tổ chức triền triển lãm hoặc Hội nghị bất động sản quốc tế.

Trong tháng 11, Hiệp hội cũng sẽ tham dự sự kiện của Hiệp hội Môi giới bất động sản Hoa Kỳ (NAR). Đến cuối năm 2024 là Hội Nghị tổng kết năm 2024 và đề ra phương hướng hoạt động năm 2025. 

Bà Tô Thị Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội phát biểu về các nút thắt lớn của vấn đề cải tạo chung cư cũ

Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ, trên cơ sở thực tiễn, chúng tôi đã tham gia sâu vào góp ý quy định liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ. Có thể nói rằng, 20 năm qua làm về lĩnh vực này, doanh nghiệp đã rất vất vả.

Dự thảo Luật Nhà ở ban đầu đưa 1 chương về cải tạo chung cư cũ nhưng rất sơ sài, nếu như vậy thì 10 - 20 năm nữa cũng vẫn dậm chân tại chỗ.

Đến nay chúng tôi thấy rằng tiến độ cải tạo chung cư cũ trên cả nước vẫn rất chậm so với kế hoạch đề ra, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, do gặp rất nhiều vướng mắc.

Tôi được biết có quan điểm nhận định cho rằng việc cải tạo chung cư cũ là lợi ích của sở hữu tư nhân liên quan đến doanh nghiệp, nhưng thực tế không phải như vậy mà làm cải tạo chung cư cũ thậm chí còn khó hơn phát triển nhà ở xã hội, do còn liên quan đến lợi ích của người dân đang sinh sống trong chung cư cũ nên cần phải có cơ chế hợp lý.

Chúng ta đã biết người dân luôn đòi hệ số cao, còn doanh nghiệp làm lại bị hạn chế về quy hoạch phát triển. Hai nút thắt như vậy khiến doanh nghiệp không thể cân đối trong việc thu hồi vốn, chính quyền lại không thể hiện được vai trò.

Cải tạo chung cư cũ giống như triển khai một loại hình nhà ở xã hội đặc biệt, cần hài hòa lợi ích giữa các bên với vai trò dẫn dắt, cầm cân nảy mực của nhà nước để tạo cơ chế cho doanh nghiệp và người dân. Vậy nhưng Luật Nhà ở vừa ban hành không quy định rõ, Nghị định 69 và 101 cũng vậy. Như vậy thì muôn thuở sẽ không thực hiện được việc cải tạo chung cư cũ.

Hiện nay, chúng tôi tham gia cùng Hiệp hội góp ý về Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, chúng tôi đã góp ý về vấn đề này. Nhưng nếu tới đây không đề cập đến vấn đề quy định xử lý chuyển tiếp thì sẽ xảy ra nhiều khiếu kiện, khiếu nại trong cải tạo chung cư cũ. Chúng tôi sẽ cùng Hiệp hội tiếp tục tham gia sâu sắc hơn để xây dựng Nghị định cùng Bộ Xây dựng.

PGS.TS. Trần Đình Thiên: Cấu trúc của thị trường bất động sản cần được định hình lại 

 Năm 2023 thực sự là một năm “sôi động” của thị trường bất động sản theo hướng "đốt ruột đốt gan" chúng ta chứ không phải sôi động phát triển.

Xét theo lĩnh vực, kinh tế mặc dù tốt hơn nhưng thực trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản đã yếu, trong khi đó, chính sách tháo gỡ rất chậm và triển vọng mới lại chưa thực sự rõ ràng.

Thứ nhất, Luật Đất đai mới có rất nhiều điểm tích cực nhưng việc tận dụng như thế nào mới là điểm đáng quan tâm. Điểm mới chưa đảm bảo đầy đủ lại gây ra xung đột, gây ra rủi ro mới. Đặc biệt, những điểm mấu chốt mà Luật Đất đai kỳ vọng sửa thì lại chưa làm được.

Thứ hai, vấn đề liên quan đến vốn là cách tiếp cận vốn: Lãi suất quá cao, thời hạn cho vay đang làm yếu mòn doanh nghiệp. Phân định chức năng của các thị trường tài chính giữa Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng vẫn chưa hài hoà với nhau.

Thứ ba, liên quan đến nhà ở xã hội. Cần có cách tiếp cận mới về tín dụng, ưu đãi tín dụng với phát triển nhà ở xã hội, trong đó, cần một đề án mới gắn vốn tín dụng với nhà ở xã hội.

Tôi cho rằng, Hiệp hội phải có cách đặt vấn đề thúc đẩy Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội.

Thị trường bất động sản tương lai vẫn có những điểm sáng. Thị trường đang ở giai đoạn thay đổi, định hình lại theo hướng bền vững hơn. Hiệp hội nên tổ chức các Diễn đàn, Hội nghị giúp thị trường, doanh nghiệp định hình lại cấu trúc phát triển. Đó là xu hướng đô thị gắn với các khu công nghiệp; với bất động sản công nghiệp chính là khu công nghiệp sinh thái tuần hoàn… 

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: "Tháo gỡ cho thị trường bất động sản để nền kinh tế có thể bật lên là 1 giải pháp quan trọng"

Chúng tôi đánh giá cao vai trò và hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời gian qua. Phải khẳng định, VNREA là một trong những hiệp hội có hoạt động sôi nổi nhất, có đóng góp tích cực đối với việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, có nhiều kiến nghị, góp ý với Quốc hội, Chính phủ.

Bất động sản là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân, nên có thể nói rằng Hiệp hội đã có trách nhiệm cao không chỉ với thị trường bất động sản mà còn cả nền kinh tế.

Nền kinh tế vừa bước qua quý 1, chỉ số kinh tế vĩ mô được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều lo lắng để có thể tăng tốc thời gian tới. Trong khi đó các động lực tăng trưởng đang suy yếu. Vừa qua chúng ta dựa nhiều vào FDI, xuất khẩu, đầu tư công nhưng những động lực này đang có xu hướng suy giảm. Tăng đầu tư công không phải là động lực dài hạn cho tương lai. Đầu tư nước ngoài thì chúng ta lại ít có dự án lớn về công nghệ cao. Xuất khẩu tăng trưởng nhưng không cao, còn khu vực tư nhân trong nước đang suy yếu.

Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị lần đầu yêu cầu cần thúc đẩy cho khu vực tư nhân nhưng thực tế khu vực này lại đang suy yếu, trong khi đây mới chính là khu vục chính có vai trò dẫn dắt nền kinh tế trong tương lai.

Theo đó, việc tháo gỡ cho thị trường bất động sản để nền kinh tế có thể bật lên là 1 giải pháp quan trọng. Vì tăng trưởng trong bất động sản liên quan đến cả chuỗi cung ứng, bất động sản tạo ra mặt bằng sản xuất kinh doanh là nơi ở người dân, là nền tảng cho sản xuất, là cuộc sống của người dân… tạo ra tăng trưởng cho các lĩnh vực kinh tế khác. Trong thời gian tới, cần dồn lực khôi phục thị trường bất động sản.

Quốc hội đã thông qua 3 luật quan trọng, như 3 mũi giáp công có thể thúc đẩy, là cứu cánh thị trường bất động sản và chúng ta có thể đặt nhiều kỳ vọng vào tác động của các luật này đối với sự phục hồi và phát triển của thị trường. Tuy nhiên, hành trình trước mắt có thể sẽ còn gian nan, bởi vẫn còn những điểm chồng chéo chưa được sửa đổi một cách triệt để, và việc thực thi luật sẽ phát sinh nhiều vấn đề trong thực tế.

Thị trường bất động sản thời gian tới vẫn gắn với 4 chữ: Vướng và chậm, khó và bí

Thị trường hiện nay gắn liền với những từ khóa nổi bật: “Vướng và chậm, Khó và bí”. Cụ thể là vướng phát lý, chậm thủ tục dự án, khó nguồn vốn và bí về thanh khoản.

Kể cả khi các luật đã được thông qua bắt đầu có hiệu lực, tôi cho rằng, thị trường vẫn cần thời gian để thích nghi và còn rất khó khăn ở giai đoạn tới.

Để giải quyết đồng bộ các vấn đề thì có rất nhiều việc chúng ta phải làm. Đã có 20 chính sách mới đã được triển khai, song việc thực thi trong thực tế cũng không đơn giản. Ngay cả việc định giá, dù có ra luật thì triển khai vẫn khó khăn, không hề dễ dàng. Do vậy, rất cần Hiệp hội bất động sản chung tay, sâu sát với các doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và có những kiến nghị, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

Tôi cho rằng, Hiệp hội cần chỉ ra các điểm khó khăn cụ thể, các điểm bất cập cụ thể trong chính sách thì mới gỡ khó được cho doanh nghiệp. Chúng ta không kiến nghị hay bàn luận các vấn đề chung chung nữa mà cần đi vào chi tiết.

Luật đang ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ hơn nhưng rủi ro pháp lý thì luôn luôn còn, các tranh chấp vẫn sẽ xảy ra. Nên việc quan tâm đến rủi ro pháp lý, các tranh chấp bất động sản là rất cần thiết.

Tôi cho rằng, giải quyết các tranh chấp giữa các doanh nghiệp nên hướng đến hoà giải, thương lượng. Hướng giải quyết này cũng phù hợp với các doanh nghiệp hơn, giúp bảo mật thông tin cho doanh nghiệp.

Vì vậy, tôi rất mong các doanh nghiệp bất động sản có tranh chấp thì đừng đưa ra toà án, nếu cần thiết thì đưa ra trọng tài để cả hai bên cùng thắng, hướng đến hoà bình.

Các doanh nghiệp nội địa gắn kết với nhau để làm ăn lâu dài là điều rất cần thiết. Do đó, khi tranh chấp nên hướng đến cả hai bên cùng thắng và sau đó cùng bắt tay hợp tác tiếp.

Sau 1/7 chúng ta sẽ triển khai các Nghị định nên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam đề nghị phối hợp với Hiệp hội tổ chức một hội nghị về triển khai quy định pháp chế toàn ngành bất động sản. Chúng tôi sẵn sàng nỗ lực trợ giúp các doanh nghiệp trong pháp lý. 

Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex phát biểu ý kiến về những bất cập trong chính sách phát triển nhà ở xã hội

Thị trường bất động sản hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dù trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ.

Trong quá trình làm nhà ở xã hội, doanh nghiệp chúng tôi cũng gặp một số vướng mắc. Chúng tôi có 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong một khu đô thị ở Thừa Thiên Huế với 8 toà nhà ở xã hội nhưng hiện chưa thể bán được.

Việc quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở để cho thuê và chủ đầu tư chỉ bán lại sau 5 năm đưa vào sử dụng rất khó thực hiện. Cụ thể, một toà nhà của chúng tôi có 180 căn hộ nhưng 140 căn còn chưa bán được thì cho ai thuê?

Trong khi đó, 140 căn hộ này để được được Sở Xây dựng phê duyệt đủ điều kiện bán thì chúng tôi đã phải trải qua 4 lần duyệt. Không được Sở duyệt thì không ai mua. Bởi muốn mua nhà ở xã hội ở Huế thì những tiêu chuẩn đầu tiên để được duyệt mua nhà ở xã hội phải là thường trú ở Huế, các tỉnh đến thường trú thì không được mua. Giấy thường trú đó sẽ do phường, xã xác nhận là không có nhà đất thì mới được mua. Như vậy, không phải người ở Huế thì không thể mua được nhà. Nếu phường, xã không xác nhận thì Sở Xây dựng không ký.

Như vậy, dự án của chúng tôi có 8 toà là nhà ở xã hội, với toà thứ nhất sau 4 đợt mở bán đã bán được 140 căn ở toà thứ nhất, còn lại toà thứ 2 vẫn chưa được duyệt bán. Có lẽ phải đợi đến tháng 7, khi Luật mới chính thức có hiệu lực và phải bỏ quy định cư trú thì mới có thể giải quyết được khó khăn này.

Bên cạnh đó, với vấn đề phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi nhận thấy còn có khó khăn liên quan đến gói vay vốn. Cụ thể, theo quy định, đất ở trong khu đô thị được làm nhà ở xã hội thì không được tiếp cận gói vay 120.000 tỷ đồng, trong khi gói hỗ trợ đó là để người dân được hưởng tiêu chuẩn xã hội nhưng lại không được vay.

Thử tưởng tượng, nếu cho một mảnh đất ở nơi xa xôi hẻo lánh làm nhà ở xã hội thì bán cho ai? Vậy thì người nghèo mãi mãi khổ, vì không tiếp cận được khu đô thị có hạ tầng tốt nhất, có giao thông tốt nhất.

Người mua nhà xã hội được quyền vay ngân hàng chính sách, lãi 4,5% còn bản thân doanh nghiệp vay vẫn 9%. Trong khi đó, chủ đầu tư không được quyền thế chấp đất làm dự án nhà ở xã hội để vay vốn. Nếu doanh nghiệp thế chấp tài sản trên đất thì người dân sẽ không tiếp cận được gói vay của ngân hàng chính sách xã hội vì nhà ở xã hội đó đã được thế chấp.

Sau nhiều năm tham gia làm dự án nhà ở xã hội, chúng tôi nhận thấy rằng, làm đến đâu, vướng đến đó. Tôi hy vọng, Hiệp hội có thể ghi nhận ý kiến, chia sẻ và làm rõ hơn các vướng mắc pháp lý và kiến nghị để có chính sách tốt hơn cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. 

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội phát biểu kết luận

Hội nghị đã nghe 5 ý kiến phát biểu liên quan đến việc triển khai các nghị định thi hành Luật; vấn đề nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ... Tôi xin cảm ơn và ghi nhận các ý kiến phát biểu. Đề nghị các đồng chí có ý kiến khác gửi văn bản về văn phòng Hiệp hội, Hiệp hội sẽ tiếp thu.

Thông qua báo cáo và ý kiến tham luận, tôi xin trân trọng cảm ơn sự cố gắng, quyết tâm của các hội viên doanh nghiệp khi vẫn gắng gượng duy trì các hoạt động cho đến thời điểm hiện tại. Cảm ơn các chuyên gia đã đồng hành cùng Hiệp hội tham gia vào góp ý phản biện và hoàn thiện chính sách pháp luật. Cảm ơn các đơn vị hội viên đồng hành tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo trong thời gian qua.

Trong năm 2024, chúng ta thống nhất một số quan điểm chỉ đạo gồm: Bám sát chỉ đạo của Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ và của Chính phủ, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chương trình hành động hiệu quả, đúng nhiệm vụ và tiết kiệm trong điều kiện khó khăn chung của thị trường bất động sản và doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện đúng Điều lệ Hiệp hội và hệ thống Quy chế của Hiệp hội vì hội viên.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giám định, phản biện xã hội trong lĩnh vực bất động sản, những vấn đề thực tế đã nảy sinh mà pháp luật chưa điều tiết nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang tạo rào cản làm trì trệ hoạt động kinh tế - xã hội. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành về các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động thị trường bất động sản Việt Nam. Tiếp tục tăng cường công tác phát triển hội viên, thành lập các chi hội.

Thông qua Dự thảo Nghị quyết BCH, BTV lần III, nhiệm kỳ V (2022 - 2027)

Ông Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội, Trương Ban Thư ký Hội nghị đọc Dự thảo Nghị quyết BCH, BTV Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ V (2022 - 2027)

Hội nghị thông qua dự thảo Nghị quyết BCH, BTV Hiệp hội Bất động sản Việt Nam họp ngày 05/4/2024 với 100% các đại biểu có mặt tán thành.

NGHỊ QUYẾT BCH, BTV HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM

HỌP NGÀY 05.4.2024 TẠI HÀ NỘI

BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ

HIỆP HỘI BẤT ĐỘNG SẢN VIỆT NAM

- Căn cứ Điều lệ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam;

- Căn cứ Quy chế làm việc của BCH và BTV nhiệm kỳ V (2022-2027);

- Căn cứ nội dung và kết quả cuộc họp BCH, BTV ngày 05/4/2024 tổ chức tại thành phố Hà Nội, Hội nghị đã thống nhất:

QUYẾT NGHỊ:

1. BCH, BTV Hiệp hội thống nhất kết quả hoạt động Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 do Thường trực Hiệp hội đã trình bày tại Hội nghị BCH, BTV ngày 05/4/2024. BCH, BTV Hiệp hội đánh giá cao các doanh nghiệp hội viên đã tìm mọi giải pháp để duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp trong giai đoạn rất khó khăn của thị trường bất động sản; tham gia rất tích cực, hiệu quả trong công tác góp ý sửa đổi, bổ sung các luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và đề xuất các giải pháp, nhất là cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. BCH, BTV Hiệp hội ghi nhận những cố gắng, nỗ lực hoạt động tích cực của các đơn vị Hiệp hội trên mọi lĩnh vực như: Pháp chế, truyền thông, kết nối hội viên, xúc tiến đầu tư, đối ngoại, đào tạo, môi giới, nghiên cứu khoa học; tổ chức các chuyên đề về bất động sản du lịch, bất động sản xanh, bất động sản nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ và công tác từ thiện xã hội…

2. BCH, BTV Hiệp hội thống nhất các nội dung trong Nghị quyết số 02/NQ-HHBĐSVN-BTT, ngày 6/3/2024 của Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ban hành nhiệm vụ hoạt động trọng tâm năm 2024 của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

3. BCH, BTV Hiệp hội thống nhất các nội dung do Chủ tịch và Thường trực Hiệp hội đã chỉ đạo, điều hành hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 về tổ chức, cán bộ, hoạt động chuyên môn, đối ngoại và các nội dung khác theo các thông báo, quyết định và Nghị quyết các cuộc họp.

4. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

4.1. Quan điểm, định hướng chung

- Thứ nhất, tiếp tục bám sát chỉ đạo, định hướng của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động của Hiệp hội trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, sự kiện của Hiệp hội; đặc biệt là các định hướng, chủ trương lớn về chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định và phát triển thị trường bất động sản; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ cho người thu nhập thấp, cải tạo chung cư cũ…

- Thứ hai, hoạt động của toàn thể hội viên, đơn vị Hiệp hội thực hiện theo đúng nhiệm vụ và quy định của pháp luật; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm trong giai đoạn rất khó khăn và thị trường bất động sản đang có những tín hiệu dần hồi phục.

- Thứ ba, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả và có trách nhiệm cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, BCH, BTV và toàn thể các đơn vị, thành viên, hội viên của Hiệp hội theo đúng Điều lệ Hiệp hội, các quy chế, nghị quyết của Hiệp hội và quy định hiện hành của pháp luật.

4.2. Nhiệm vụ, hoạt động cụ thể

4.2.1. Công tác tổ chức, cán bộ

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Thường trực Hiệp hội hoạt động chuyên trách trong công việc điều hành các hoạt động của Hiệp hội theo Nghị quyết Đại hội và phân công của Chủ tịch Hiệp hội.

- Thống nhất chủ trương để cho thôi chức danh lãnh đạo Hiệp hội, các đồng chí Ủy viên BCH, BTV không có thời gian, điều kiện tham gia công tác Hiệp hội trong thời gian từ sau Đại hội và bổ sung các đồng chí nhiệt tình, có điều kiện tham gia hoạt động của Hiệp hội. Văn phòng Hiệp hội đề xuất và thực hiện theo quy trình.

- Thống nhất bổ sung Phó Tổng thư ký Hiệp hội theo Nghị quyết BTV, BCH ngày 25/11/2023 và Nghị quyết Ban Thường trực ngày 06/3/2024.

- Tiếp tục kiện toàn nhân sự các cơ quan, đơn vị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong năm 2024.

- Thống nhất chủ trương, thủ tục thành lập Chi hội bất động sản ở một số địa bàn đang có tiềm năng phát triển thị trường bất động sản.

- Quy chế tổ chức hoạt động của các đơn vị Hiệp hội: Ban Chỉ đạo rà soát xây dựng quy chế theo Quyết định 36/QĐ-BCH, ngày 28/8/2023 tập trung chỉ đạo để ban hành trong Quý 3/2024.

- Kiện toàn Hội đồng chuyên gia do Chủ tịch Hiệp hội làm Chủ tịch, lãnh đạo Viện nghiên cứu Bất động sản làm Thường trực, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn của các chuyên gia.

4.2.2. Công tác phát triển hội viên

- Tập trung nâng cao năng lực nhân sự chuyên trách, tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội khóa V (2022-2027) về công tác phát triển hội viên. Hiệp hội phấn đấu kết nạp thêm khoảng 30 hội viên đầu mối trong năm 2024.

- Phối hợp với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp thành lập 1-2 Hiệp hội Bất động sản tại các tỉnh, thành phố; làm thủ tục công nhận hội viên chính thức cho các Hiệp hội Bất động sản ở địa phương.

- Thông qua Văn phòng đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại các địa phương để phát triển mạng lưới hội viên rộng khắp hơn.

4.2.3. Công tác tư vấn giám định và phản biện xã hội

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giám định, phản biện xã hội trong lĩnh vực hoạt động của thị trường bất động sản, những vấn đề thực tế đã nảy sinh mà pháp luật chưa điều chỉnh nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đang tạo rào cản làm trì trệ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Trong năm 2024, tích cực tham gia công tác góp ý sửa đổi các Luật khác liên quan đến thị trường bất động sản và tham gia xây dựng các Nghị định, Thông tư của 3 Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản.

- Đề nghị các hội viên kiến nghị, đề xuất giải pháp, vấn đề bất cập trong quá trình thực hiện để Ban Pháp chế, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổng hợp, trình Chủ tịch là thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, trên cơ sở đó trình Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan về những vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết.

- Hàng quý, lãnh đạo Hiệp hội tổ chức, làm việc tại các doanh nghiệp để nắm bắt thực tế khó khăn, vướng mắc của đơn vị. Từ đó, xác định những chương trình hỗ trợ, làm việc với cơ quan Nhà nước, nhằm giảm thiểu tối đa khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp và nhà đầu tư để có giải pháp kiến nghị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản, hội viên khi phát sinh. Đồng thời, tổ chức các chương trình kết nối hội viên, doanh nghiệp với địa phương, với thị trường đầu tư, thị trường vốn, các quỹ đầu tư và hợp tác quốc tế…

- Tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo về bất động sản khu công nghiệp, nhà ở cho công nhân; Hội thảo triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030; cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp…

- Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam là cơ quan đầu mối chủ trì về các đề tài khoa học, tổng hợp và đánh giá thực trạng thị trường chu kỳ 6 tháng và xu hướng phát triển thị trường bất động sản Việt Nam. Các đơn vị khác chủ động phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam để đạt được hiệu quả theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bất động sản.

4.2.4. Tổ chức sự kiện và Diễn đàn liên quan đến lĩnh vực bất động sản

- Tổ chức các Diễn đàn bất động sản thường niên, Diễn đàn về bất động sản du lịch, bất động sản công nghiệp, môi giới… nhằm tổng hợp những vướng mắc, bất cập và kiến nghị giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn về pháp lý, cơ chế, chính sách, quy hoạch, tín dụng… cho các doanh nghiệp và thị trường bất động sản.

- Tổ chức các chuỗi sự kiện theo các địa bàn, khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam, khu vực Tây Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên…

- Thống nhất tổ chức một Diễn đàn bất động sản Việt Nam trong Quý 4/2024 có quy mô lớn, có thể kết hợp Giải thưởng Quốc gia về Bất động sản. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đính và Phó Chủ tịch Đoàn Văn Bình phối hợp có thể mời một số tổ chức quốc tế mà Hiệp hội là thành viên theo quy định của pháp luật.

- Các đơn vị Hiệp hội chủ động thực hiện các sự kiện của đơn vị theo kế hoạch đã được Thường trực Hiệp hội thống nhất. Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Chi hội Bất động sản Du lịch Việt Nam, Trung tâm tư vấn và Xúc tiến đầu tư Bất động sản Việt Nam, Trung tâm Phát triển Bất động sản, Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam… tổ chức các sự kiện về giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản và hợp tác đầu tư.

- Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh chương trình hợp tác với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài về xúc tiến đầu tư bất động sản và du lịch tại thị trường trong nước và quốc tế với chuỗi sự kiện dự kiến được tổ chức vào tháng 5/2024, gồm hội chợ, kết hợp với diễn đàn bất động sản xanh nhằm giới thiệu, xúc tiến các sản phẩm bất động sản và bất động sản du lịch.

4.2.5. Hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư

- Về hoạt động đối ngoại: Các đơn vị thực hiện hoạt động đối ngoại tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đồng chí Phó Chủ tịch Đoàn Văn Bình tổ chức kết nối để các hội viên trong và ngoài nước tìm hiểu thị trường bất động sản và tạo cơ hội hợp tác đầu tư, nhất là các tổ chức mà Hiệp hội là thành viên hoặc có quan hệ như: Liên đoàn Bất động sản Quốc tế (FIABCI), Hiệp hội Bất động sản & Môi giới Hoa Kỳ (NAR), Hiệp hội Bất động sản các quốc gia Đông Nam Á (ARENA)…

- Về xúc tiến đầu tư quốc tế: Phó Chủ tịch Đoàn Văn Bình đề xuất, xây dựng kế hoạch chi tiết tiến tới tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, triển lãm quốc tế…

- Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, Chi hội Bất động sản du lịch Việt Nam và các Trung tâm tiếp tục công tác xúc tiến đầu tư, kết nối hội viên với các địa phương trong hoạt động liên quan đến thị trường bất động sản, mở ra những mô hình hợp tác mới.

4.2.6. Công tác thông tin, truyền thông, đào tạo, nghiên cứu khoa học

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về các hoạt động của thường trực, BCH, BTV, các đơn vị và các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trên Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Cổng thông tin của Hiệp hội và các trang mạng xã hội.

- Truyền thông kịp thời và sâu rộng những ý kiến tham gia sửa đổi luật, cơ chế, chính sách và những quy định mới về thị trường bất động sản, hướng dẫn thi hành Luật mới ban hành.

- Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, Chi hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam chủ động phối hợp các địa phương, các đơn vị và thực tế thị trường để tổ chức định kỳ đánh giá, phân tích thị trường, đề xuất các giải pháp phục hồi, phát triển thị trường bất động sản, nâng cao chất lượng tư vấn đến cơ quan quản lý nhà nước và giúp các doanh nghiệp đầu tư, môi giới bất động sản và khách hàng có thông tin hữu ích.

- Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam chủ trì tiến hành triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến các phân khúc của thị trường bất động sản; Phát triển bền vững và lành mạnh hóa nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam; Chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản…

- Ban Pháp chế cùng các trung tâm của Hiệp hội tổ chức một số chương trình phổ biến kiến thức pháp luật mới để hội viên, doanh nghiệp hội viên nắm bắt. Tổ chức phổ biến Nghị định thi hành luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản...

Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thống nhất 100% nội dung trên. Giao Chủ tịch Hiệp hội và Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo đúng Điều lệ Hiệp hội.

Hội nghị kết thúc vào hồi 16h00 phút, ngày 05 tháng 4 năm 2024./.

TM. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

TS. Nguyễn Văn Khôi

Giao lưu, gặp mặt hội viên thường niên 2024

TS. Nguyễn Văn Khôi chia sẻ về kết quả Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần III, nhiệm kỳ V với các hội viên Hiệp hội có mặt tại sự kiện.
TS. Nguyễn Văn Đính phát biểu cảm ơn các nhà tài trợ Vingroup, FPT, CEO Group, Hưng Thịnh, Hoàng Quân Group, BRG Group, Cen Land, KN Holdings, TasecoLand, 1962 Land đã đồng hành cùng sự kiện Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên thường niên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam năm 2024.
BCH, BTV Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cùng các hội viên chụp ảnh lưu niệm.

Một số hình ảnh tại hội nghị: